Cuộc đời nhiều khi trớ trêu, ông bà mình có câu “ghét của nào trời trao của đó”, một đứa trình độ nhạc chỉ dừng lại ở mức đọc mấy nốt Đồ đến Đố, nốt nhạc vẽ trông như cái muôi múc canh, và quan trọng hơn là chưa bao giờ nhìn cho kỹ cái đàn piano, lại nhận đi dịch cho 1 bác chuyên gia sửa đàn của Hàn Quốc sang làm việc cho bên trường âm nhạc ở Quận 7 trong 3 ngày.
1. Chuyện mình đi dịch
Cuộc đời nhiều khi trớ trêu, ông bà mình có câu “ghét của nào trời trao của đó”, một đứa trình độ nhạc chỉ dừng lại ở mức đọc mấy nốt Đồ đến Đố, nốt nhạc vẽ trông như cái muôi múc canh, và quan trọng hơn là chưa bao giờ nhìn cho kỹ cái đàn piano, lại nhận đi dịch cho 1 bác chuyên gia sửa đàn của Hàn Quốc sang làm việc cho bên trường âm nhạc ở Quận 7 trong 3 ngày.
Số là, bạn mình có được tin bên trường đó cần gấp người đi dịch, mà bạn mình bị vướng việc khác nên hú mình đi, thông tin về công việc chỉ ghi đơn giản là thông dịch về đàn piano cho một chuyên gia, và trong 3 ngày sẽ có 1 buổi chuyên gia đó giảng về đàn piano. Đọc thông tin ngắn gọn như vậy mình chỉ hiểu là mình sẽ dịch liên quan tới piano, và vì ko nói rõ là dịch lĩnh vực gì, biểu diễn hay lý thuyết âm nhạc v.v… nên mình chỉ có thể tìm hiểu sơ qua về piano như cấu tạo, các loại đàn piano, cách chọn mua đàn piano… bằng tiếng Việt. Nói chung những thông tin ở Việt Nam về đàn piano rất ít (vì chủ yếu là quảng cáo đàn chứ ko nói rõ) nên đối với một đứa mù nghệ thuật như mình thì số hiểu biết về piano sau khi tìm hiểu chỉ dừng lại ở cấu trúc chung của đàn piano, phân loại chung piano cơ có 2 kiểu là grand piano (piano cánh, piano lớn thường dùng để biểu diễn) và upright piano (piano đứng, thường dùng ở các gia đình, lớp học đàn). Rồi đến ngày dịch, nói thật số lượng từ vựng về âm nhạc và đàn piano của mình chỉ được tích lại từ đêm trước đó, nên lúc dịch thường cầm tay chỉ vào mấy bộ phận của đàn mà nói “cái này…”, “cái kia thì…”, ý mình là toàn dùng đại từ thay thế =_= Ầu, có ai đi dịch mà như mình ko ta? Lại còn giữa 1 rừng người tốt nghệp Nhạc viện nữa! Hí hí nhưng nhờ đó mà mình học được rất nhiều thứ, mình còn nghĩ mình kiểu vừa đi học hỏi lại được cho tiền chứ ko phải mình đi cày kiếm tiền ý chứ 🙂
– Mình học thêm được các nhãn hiệu đàn piano của Nhật và Hàn. Nếu bạn nhìn đàn piano có chữ Kawai hay Yamaha thì đó là đàn của Nhật, còn nếu đàn hiệu Samick hay Youngchang thì đó là đàn của Hàn Quốc. Trường thuê mình dịch là trường có xu hướng muốn bán đàn piano của Hàn nên mình được dịp biết thêm về 2 hãng đàn lớn của Hàn Quốc. Công ty đàn Samick thì theo đuổi phong cách phương Tây, từ kiểu dáng đàn hoa lệ, nước sơn sáng màu, nhiều hoa văn trạm trổ cầu kỳ, đến tiếng đàn sáng. Còn của Youngchang thì theo kiểu mẫu của Yamaha, chú trọng tính phương Đông nên đàn thường là màu lạnh (đen or trắng), ít hoa văn, tiếngđàn thì giống tiếng đàn của đàn Yamaha vậy. Samick và Youngchang đều là 2 thương hiệu đàn lớn của Hàn Quốc. Những năm 90 trở về trước, đàn được sản xuất tại nội địa Hàn Quốc, nhưng từ sau những năm 90, do phí nhân công cao nên hãng đàn đã chuyển địa điểm sản xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên vẫn nhiều người Hàn ưa thích đàn được sản xuất trong nước hơn nên các dòng đàn cũ của những năm 90 vẫn được nhiều người tìm mua.
– Mình hiểu thêm được về thị trường đàn piano của Việt Nam (do học lỏm được từ người trong nghề :P) Hiện muốn mua piano tốt tại Sài Gòn có mấy địa chỉ uy tín sau: Hệ thống cửa hàng nhạc cụ Việt Thương và cửa hàng chuyên bán piano cũ Toyo Piano. Sau này sẽ có thêm showroom chuyên đàn piano của trường âm nhạc Ted Sài Gòn nữa (là chỗ mình đi dịch, vì vậy mình bảo đảm 100% piano tuy có đàn second hand hoặc đàn mới nhưng xuất xứ sẽ là Hàn hoặc Nhật). Bên showroom của Ted hiện chưa đi vào hoạt động chính thức nên chưa có nhận xét gì được, còn về Việt Thương thì bạn có thể tìm thấy rất nhiều cửa hàng của Việt Thương tại HCM, trong đó cửa hàng có bày nhiều đàn piano nhất mà hôm mình cùng đi tham khảo thị trường thấy được nằm trên đường Cách Mạng Tháng 8. Cửa hàng đó có cả đàn cũ và đàn mới. Tuy nhiên mình không thích Việt Thương ở chỗ bên đó nhập đàn mới về nên chỉ muốn khách chọn mua đàn mới chứ ko muốn khách chọn mua đàn cũ. Và họ còn có 1 tờ bướm ghi ra 8 lý do mà chúng ta ko nên mua đàn cũ (vd: đàn cũ là đàn sản xuất hơn 50~60 năm trước nên chất lượng đàn cũng như các bộ phận của đàn ko tốt, mua đàn cũ là góp phần biến VN thành bãi rác của thế giới, mua đàn cũ làm hỏng đôi tai cảm nhận âm thanh của bạn, mua đàn cũ chỉ được bảo trì bởi người sửa đàn chứ ko được hãng bảo hành,…) Có thông tin đúng, nhưng cũng có thông tin không chính xác BỊ hãng lợi dụng nhằm tạo hình ảnh xấu về piano cũ cho người mua. Thực tế là, piano cũ nếu biết chọn sẽ rất ok, vì các hãng đàn sản xuất piano lớn như Yamaha, Samick, Youngchang,… ngày trước họ còn sản xuất đàn trong nước được, nên chất lượng đảm bảo, nhưng càng về sau phí nhân công đắt đỏ nên công xưởng phải chuyển qua Trung Quốc, đồng nghĩa với chất lượng giảm đi phần nào. Vì thế có thể nói bạn mua đàn cũ có thể bạn còn mua được đàn của Nhật, Hàn. Còn mua đàn mới bạn chỉ có lựa chọn đàn hiệu Nhật, Hàn sản xuất tại Trung Quốc, Indonesia,… Thêm nữa, không phải đàn piano cũ sẽ làm hỏng độ cảm âm nhạc của bạn! Nếu không sao Toyo Piano chuyên bán đàn cũ vẫn hoạt động tới bây giờ được? Đàn cũ sẽ được các kỹ thuật viên chỉnh đàn (tiếng Anh: piano tuner/ tiếng Hàn: 피아노 조율사) sửa lại các lỗi của đàn như chỉnh lại độ hao mòn của búa đàn, chỉnh lại độ nhạy của phím đàn, lên dây đàn lại cho đúng âm, thay phím đàn nếu phím đàn bị vỡ hoặc bị ố, chỉnh lại các phím bị vênh hoặc thụt của bộ phím đàn, sửa lại pedal đàn, vệ sinh lại bên trong đàn,… nên có thể nói khi đàn tới tay bạn chất lượng đàn hoàn toàn tốt, chỉ là đã từng được sử dụng trước đó thôi chứ không ảnh hưởng gì tới mức độ cảm âm của bạn cả. Và, có một sự thật là hơn 80% đàn piano cơ tại Việt Nam là đàn cũ. Theo mình, lý do có thể giải thích là giá thành của 1 cây đàn piano mới khá cao (đàn trung bình: 190tr đồng), trong khi đàn cũ được chỉnh sửa lại thì giá thành rẻ đi nhiều (70tr, 80tr…).
– Mình còn biết thêm được có nghề gọi là kỹ thuật viên chỉnh sửa đàn piano (piano tuner/ 피아노 조율사). Nghề này đòi hỏi sự khéo léo và linh hoạt của cổ tay và bàn tay. Nhiều khi mạnh quá cũng không được, mà nhiều lúc lại nhẹ quá cũng không được. Nghề này ở Việt Nam có lẽ còn khá xa lạ vì ít có ai làm bài bản chuyên nghiệp cả. Còn ở Hàn, ở Nhật, có người theo nghề này cả đời ( như bác kỹ thuật viên người Hàn mình dịch cho hôm nọ, bác đó hồi cấp 3 vừa đi học vừa đi chỉnh sửa đàn như là công việc làm thêm, vậy mà theo nghề tới tận bây giờ, mà còn làm Chủ tịch Hiệp hội những người sửa đàn Piano tại Hàn Quốc nữa), ở Nhật, có nhiều người phụ nữ cũng có thể làm nghề sửa đàn. Đặc biệt nữa là nghề này không có giới hạn độ tuổi, 60 70 tuổi vẫn làm được bình thường. Bên Hàn Quốc người ta còn nói đây là “nghề không có tuổi nghỉ hưu” nữa 🙂
– Mình đi dịch và thấm thía câu nói hồi xưa của thầy dạy thêm tiếng Anh của mình: “Không có cái nghề nào khổ bằng nghề phiên dịch các em ạ, đi dịch tiệc tùng với người ta, miếng thịt vừa cho đến miệng lại phải nhả ra vì bên đối phương bắt đầu nói.”. Ngay cả bác bên mình dịch cho bác cũng chia sẻ kinh nghiệm của bác (hồi xưa bác từng đi dịch cho cố thủ tướng Phạm Văn Đồng), “nghề dịch là ngồi với 4 người thì mình phải nói bằng 4 người đó con. Mà ngồi cùng thì nhìn vậy chứ ăn uống được bao nhiêu. Thế nên bác hồi đó lúc nào cũng chuẩn bị sẵn cái bánh mì, cứ rảnh là nhai”.
2. Nói sơ về trường Ted
Ted Sài Gòn là trường âm nhạc quốc tế, có 2 cơ sở đều nằm ở quận 7. Giám đốc của trường là người học chuyên sâu về âm nhạc nên cũng kiêm luôn việc giảng dạy trong trường. Nói chung cá nhân mình thấy Ted Sài Gòn là trường rất “được” vì giảng viên tại trường đều là người có chuyên môn lâu năm. Và trường cũng rất chú trọng vào đào tạo cho từng cá nhân chứ không đào tạo đại trà. Theo mình, nếu muốn đầu tư cho con cái có một nền tảng âm nhạc tốt, trường Ted là một lựa chọn không tồi. Nhược điểm là nằm hơi xa trung tâm thôi.
Trường hiện đang có ý định kinh doanh thêm mảng nhạc cụ. Chẳng có gì là lạ khi một trường âm nhạc kinh doanh thêm nhạc cụ đúng ko nhỉ? Mình tiếp xúc với bác Sponsor của trường và được biết nếu kinh doanh về nhạc cụ trường sẽ có ưu thế hơn bên Việt Thương và Toyo piano, bởi Việt Thương tuy kinh doanh nhạc cụ nhưng người điều hành kinh doanh lại không phải người trong nghề nhạc, không thể có hiểu biết chuyên sâu hẳn về đàn sáo để có thể đưa ra những sản phẩm “ngon-bổ-rẻ” phù hợp với nhu cầu của thị trường Việt Nam. Còn Toyo Piano, chất lượng ok, nhưng giá cả khá cao dù chỉ là đàn cũ. Bên Ted sẽ vừa có lợi thế về chuyên môn (do giám đốc và người điều hành kinh doanh là dân trong ngành nhạc) và giá cả lẫn chất lượng (bên cung cấp là một cửa hàng chuyên piano khá uy tín tại Hàn Quốc).
Thay cho cái kết là hình ảnh “bán nude” của 1 bạn piano cơ :)) có ai đã được xem mổ xẻ cây đàn giống như mình chưa? Hồi mình mới thấy mình cứ mắt tròn mắt dẹt lên ý. Tại Piano bề ngoài nhìn nhẹ nhàng, trang nhã mà gỡ cái nắp vỏ ra thấy bên trong thật rối rắm khủng bố luôn. Vậy mà người kỹ thuật viên chỉnh đàn họ còn làm tỉ mỉ từng chi tiết một, kiểm tra từng cái nút tune một xem có bị lệch âm không, kiểm tra từng cái búa đàn (hammer) xem có mòn hay bị sút phần lông không, kiểm tra từng phím đàn và thanh gỗ của phím xem có lỏng lẻo gì không,.. Thật đáng ngưỡng mộ mà!
Tác giả: Xuân Thu
Nguồn: honeychuun.wordpress.com